Thứ năm, 11/11/2005, 14:52 GMT+7
Nhiều người đã từng nghe nói đến MCP (Microsoft Certified Professional), nhưng vẫn còn khá nhiều người chưa biết MCSA là gì, “mặt mũi” ra sao? Bài viết xin phác họa vài nét về chứng chỉ này nhằm giúp bạn đọc có thêm thông tin.
Nhiều “track” và “specialization” |
Trên website của Microsoft, MCSA (Microsoft Certified Systems Administrator) được giới thiệu là “chứng chỉ giúp nâng cao sự nghiệp của bạn thông qua việc khẳng định bạn có đủ kỹ năng để quản lý và chẩn đoán hỏng hóc những hệ thống chạy hệ điều hành Windows”. Nói nôm na, MCSA là chứng chỉ xác nhận khả năng quản trị mạng (của Microsoft). Hiện nay, bạn có hai chọn lựa về công nghệ (theo hệ điều hành): Windows 2000 hoặc Windows Server 2003. |
Ứng với hai công nghệ nêu trên, bạn có hai “nhánh” (track) MCSA, mỗi nhánh yêu cầu những môn thi khác nhau. Mặc dù Microsoft vẫn công nhận “MCSA on Windows 2000”, nhưng có lẽ các bạn nên nhắm đến công nghệ mới hơn, vì bản thân chính Windows Server 2003 chẳng bao lâu nữa cũng trở thành “lạc hậu”. Do đó, chúng tôi không đi sâu giới thiệu “nhánh” cũ. |
Nhánh “MCSA on Windows Server 2003” có ba hướng: MCSA “tổng quát” (gọi tắt là MCSA), MCSA chuyên biệt về truyền tin (gọi là MCSA: Messaging), MCSA chuyên biệt về bảo mật (gọi là MCSA: Security). Những hướng chuyên biệt (specialization) nhằm xác định những kỹ năng thuộc một lĩnh vực chuyên sâu nhất định, đồng thời phục vụ nhu cầu thực tế đang cần những chuyên gia thông thạo các kỹ năng ấy. |
Để lấy được chứng chỉ MCSA, bạn phải thi đậu bốn môn: |
• Hai môn thuộc nhóm “Networking System”: gồm Exam 70–290 (Managing and Maintaining a Microsoft Windows Server 2003 Environment) và Exam 70–291 (Implementing, Managing, and Maintaining a Microsoft Windows Server 2003 Network Infrastructure). |
• Một môn thuộc nhóm “Client Operating System”: là Exam 70–270 (Installing, Configuring, and Administering Microsoft Windows XP Professional). |
• Một môn tự chọn (gọi là elective exam), bạn có thể chọn môn về ISA Server hoặc SQL Server hoặc Exchange Server đều được. |
Tên các môn thi khá dài, do đó mã số từng môn thường được dùng thay cho tên. Ngoài ra, bạn có thể dùng chứng chỉ MCDST hoặc cặp chứng chỉ A+ và Network+ của CompTIA để thay thế cho môn tự chọn (xem thêm tại http://www.microsoft.com/learning/mcp/mcsa/windows2003). Lệ phí thi tại Việt Nam hiện nay là 50 USD/môn, vậy ít nhất bạn phải chi 200 USD để thi MCSA (với điều kiện là không... rớt lần nào). |
MCSA: Messaging yêu cầu bạn thi đậu bốn môn tương tự như MCSA “tổng quát”, riêng môn tự chọn thì bạn không được... tự chọn nữa, mà phải thi Exam 70-284 (Implementing and Managing Microsoft Exchange Server 2003). Chứng chỉ này xác nhận bạn không chỉ đủ khả năng của một MCSA mà còn thông thạo về máy chủ phục vụ thư điện tử (mail server). |
Riêng anh chàng MCSA, Security đòi hỏi nhiều hơn: bạn phải thi năm môn, trong đó ba môn đầu giống MCSA. Hai môn “tự chọn” phải là: Exam 70-299 (Implementing and Administering Security in a Microsoft Windows Server 2003 Network) và Exam 70-227 (Installing, Configuring, and Administering Microsoft Internet Security and Acceleration Server 2000). Quả thật cụm từ “môn tự chọn” không còn đúng trong trường hợp này nữa. |
Nhu cầu thực tế về MCSA |
Nhiều bạn rất bối rối trước một rừng thông tin về chứng chỉ của Microsoft. Xin nói ngay, nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực quản trị mạng thì chỉ cần tìm hiểu về MCP (mạng), MCSA và MCSE. Khi bạn thi đậu môn đầu tiên (để đạt được MCSA hay MCSE), bất kể đó là môn nào, bạn cũng được công nhận là MCP. Như vậy, cấp độ MCP không đủ cho những người thật sự quản trị một/nhiều mạng quy mô vừa và lớn. |
Mặc dù đa số các bạn khi theo học đều muốn “đi đến cùng” – tức trở thành MCSE – nhưng điều đó không cần thiết cho số đông. Công việc hiện nay mà các nhà tuyển dụng đang cần nhiều đòi hỏi kỹ năng của MCSA, và khả năng ấy là “đủ xài”. Thực tế chỉ cần một số lượng MCSE không lớn, vì các doanh nghiệp cần người “quản trị” nhiều hơn là người “thiết kế” mạng. |
"CONGHUNG NEW"
No comments:
Post a Comment